SÀNH CAFE, ĐÂU CHỈ CÓ NGƯỜI PARIS HAY NGƯỜI HÀ NỘI?

Hội chứng nghiện cà phê chẳng phải của riêng ai. Mà cũng chẳng biết ta bắt đầu nghiện cà phê từ lúc nào. Chắc chắn không phải từ hồi bé tí rồi, vì ngày bé đâu đã được uống cà phê. Cứ thế rất tự nhiên bập vào cà phê thôi. Sáng mà không được làm một tách cà phê thì không có cảm hứng nào mà làm việc, làm gì cũng hư bột hư đường hết.

Hải Phòng cũng có cà phê như ai Cà phê thì đâu cũng có. Cà phê Mỹ vội vàng, cà phê Ý đậm đà, cà phê Pháp nhẹ nhàng. Ngay riêng trên đất Việt Nam cũng có bốn vạn tám nghìn kiểu cà phê. Cà phê trong nhà hàng. Cà phê trên vỉa hè. Cà phê Hà Nội. Cà phê Sài Gòn. Cà phê Huế. Mỗi địa phương một loại cà phê riêng biệt. Để hiểu một thành phố bất kỳ, có người thì dạo khắp danh lam thắng cảnh, nhưng cũng có người chỉ cần thưởng một tách cà phê là đủ thấm được vị của thành phố ấy. Mà con người nơi đó ngọt hay đắng thì cũng nếm được cả trong cà phê. Nhưng dù sao, cà phê Hà Nội, cà phê Sài Gòn hẳn ai cũng đã biết rồi. Vậy cà phê Hải Phòng thì sao? Hải Phòng cứ tưởng chỉ có bánh đa cua, giải khát thì có quy linh cao, thổ phục linh, đâu ngờ Hải Phòng cũng có cả món cà phê độc nhất vô nhị nữa.

Chúng độc nhất vô nhị ngay từ cái tên. Bước vào quán cà phê vỉa hè trên những ngõ phố Hải Phòng, đừng bao giờ hỏi mua một ly cà phê sữa đá. Hỏi cà phê sữa đá là chủ quán lắc đầu liền. Tại sao thế? Bởi tại ở Hải Phòng, người ta gọi cà phê sữa đá là “màu đá” cơ. Lạ phải không! Khó có thể tìm lí do cho cái tên “màu đá” ấy. Nhưng nôm na thì cứ hiểu là cà phê đen đã là “đen đá” rồi, thế thì cà phê sữa mà gọi “sữa đá” thì thường quá, lại không ăn rơ gì cả, chẳng gợi lên màu sắc nào hết, nên gọi đại là“màu đá”. Lâu thành quen, cái tên “màu đá” trở thành tên gọi chính thức của cà phê sữa với người Hải Phòng, và cũng như Hà Nội nổi tiếng với cà phê trứng, hay nhắc tới cà phê Sài Gòn thì đương nhiên nhắc đến “cà phê sữa đá, vẫn sẽ như thế, khi đón khi đưa”, ở xứ Cảng, đi uống cà phê nhiều khi đồng nghĩa với việc đi làm một ly “màu đá”.

Người Hải Phong “duy mĩ” thế đấy, nói đến cái sự ăn uống, đâu có phải gặp sao ăn vậy uống vậy như đa số vẫn làm. Món ăn trước hết cứ phải đẹp mắt đã cơ. Văn hóa cà phê xứ Cảng, có khi còn được gọi là “cà phê chạy”. Nó là cách gọi vui chỉ cà phê đường phố, nhưng gọi là“chạy” bởi vì đang ngồi trên phố mà có trật tự phường tới dọn thì ai nấy cùng bưng chén bưng ghế lên cùng… chạy. Con người xứ Cảng cũng bình dị nên khoái “thể thức” cà phê như thế, ngoài cứ nghĩ là bất tiện chứ họ thì họ thấy vui đáo để. Uống cà phê hiệu đắt tiền bên nước ngoài nước trong, bên xứ Tây xứ Tàu nào không biết, nhưng lại cứ nhớ mãi, thèm thuồng mãi thứ cà phê Hải Phòng ngon thơm. Mà cà phê đường phố cũng tiện nữa, đang vi vu trên đường bỗng xa xa thoáng thấy quán, thế là táp xe lại ngồi uống thôi.

Bây giờ văn hóa ấy cũng dần mai một rồi. Nhưng đâu đây vẫn còn nơi vừa cố gắng giữ gìn không khi “vui đáo để”, vừa thêm một bước lọc lựa cẩn thận những hạt cà phê để phù hợp hơn với công chúng thị thành.

Cà phê bắt đầu ngày mới, tuyệt đấy, nhưng chưa đủ… Có câu rằng, một buổi sáng mà chưa được nhâm nhi một tách cà phê thì coi như buổi sáng ấy chưa bắt đầu. Nhưng chẳng nhẽ sáng dậy chỉ uống cà phê không? Cũng phải ăn quà sáng nữa chứ.

Quà sáng, ấy là một phần của văn hóa ăn uống người Việt Nam, có khi là phần đẹp nhất trong nền văn hóa ấy. Chẳng ngán như kiểu bánh mì, ngũ cốc. Các món quà sáng nước ta đủ thể loại. Nói không ngoa, có khi những món ngon ăn nhất trên đời đều được bán vào lúc sáng tinh mơ. “Miếng ngon nhớ lâu Cơ cầu nhớ dai” Có điều thời buổi này thức khuya dậy muộn, mà có khi dậy sớm thì cũng tất tất tả tả phóng xe tới chỗ làm, tất tất tả tả cắm cúi vào máy tính, tất tất tả tả họp hành ban bệ, nhiều khi quên khuấy mất cái thú ăn quà sáng nó ngon lành đến chừng nào!

Buổi sáng, lúc tinh thần sảng khoái nhất, ăn bát bún bát phở nóng hổi mới thật là thích thú chứ. Ngoài bánh đa cua trứ danh, một lựa chọn khác không hề kém cạnh trong bữa sáng Hải Phòng là bún cá. Bún cá, tưởng rằng đâu chả như nhau, đều là bún cộng với cá, nhưng cũng như cà phê, bún cá Hải Phòng, hay còn gọi là bún cá cay, có những nét chẳng lẫn đi đâu được. Một bát bún cá cay muốn ngon thì đương nhiên, cá phải ngon. Không phải cá nào cũng hợp nấu bún cá.

Chẳng hạn, tại An Biên – một trong những chuỗi nhà hàng ẩm thực xứ Cảng đầu tiên tại Hà Nội,  một bát bún cá sẽ có cả cả rô phi và chả cá thu, một bên cá sông, một bên cá biển, bởi Hải Phòng chính là như vậy, vừa có đồng bằng ven sông Hồng trù phú, vừa là thành phố bên biển cả bao la. Dân xứ Bắc mê món cá rô phi, bởi vừa béo vừa thơm, ngon gì đâu, chắc thế nên mới nói “anh câu con giếc, anh tiếc con rô”. Còn cá thu thì khỏi phải giới thiệu dông dài. Loài cá biển này là niềm tự hào của người Hải Phòng, vị của nó ít đâu sánh được

Nhưng cá ngon thì mới đi được nửa chặng đường, với bún cá, quan trọng hơn cả là gia vị nêm nếm. Nhiều nơi gọi món gì ra cũng kèm nước chấm y như thế. Người sành ăn không râu ông nọ cắm cằm bà kia như thế được. Riêng với An Biên thì ăn bún cá không thể cho bừa ớt hay dấm, kỳ lắm, mà phải đánh chua bằng nước me tươi kèm một đĩa ớt tươi chưng gừng, thơm lừng, cay tê tê, vừa đủ để dậy vị.

Bữa sáng đơn giản có vậy thôi, nhưng cứ tưởng tượng bước chân ra khỏi nhà buổi sớm mai, xà chân vào An Biên, gọi một bát bún cá thanh thanh, đủ đầy cá đồng cá biển, xong lại nhâm nhi bằng một ly “màu đá” hay “đen đá”, chẳng phải thế là bạn đã có một buổi sáng hơn đứt những người mới chui ra khỏi giường đã ba chân bốn cẳng chạy một mạch tới chỗ làm hay sao? Công việc bộn bề, có lo lắng cũng vẫn bộn bề như thế, nên dù gì cứ phải đánh chén cho no, cho đã trước.